Hướng dẫn về vaccine COVID-19

• Trên 75 tuổi: Nên chích mỗi 6 tháng

• 65-74 tuổi: Nên chích mỗi 12 tháng

• 18-64 tuổi:

◦ Không bị suy giảm miễn dịch: Có thể chích mỗi 12 tháng

◦ Bị suy giảm miễn dịch nặng: : Nên chích mỗi 12 tháng

• 5-17 tuổi

◦ Không bị suy giảm miễn dịch: Không nên chích

◦ Bị suy giảm miễn dịch nặng: : Có thể chích mỗi 12 tháng

• Dưới 5 tuổi: Không nên chích

Vaccine ngừa Zona mới từ Tháng 11 năm 2023

Từ Tháng 11 năm 2023, Chương trình Tiêm chủng Quốc gia sẽ bao gồm vaccine ngừa bệnh Zona mới Shingrix.

Liệu trình hai liều Shingrix (hiện giá khoảng $560) sẽ được miễn phí cho các đối tượng sau

  • Người từ 65 tuổi trở lên

  • Thổ dân từ 50 tuổi trở lên

  • Người bị suy giảm miễn dịch từ 18 tuổi trở lên với một trong các bệnh sau

    • Ghép tế bào gốc tạo máu

    • Ghép tạng đặc

    • Ung thư máu

    • Nhiễm HIV giai đoạn cuối hay chưa điều trị

Mời quý bệnh nhân đăng ký Main Road Medical là phòng mạch chính

MyMedicare là một hệ thống mới do chính phủ thiết lập để bệnh nhân có thể đăng ký khám bệnh thường xuyên tại một phòng mạch bác sĩ gia đình tự chọn.

Hệ thống này giúp mối quan hệ giữa bệnh nhân và phòng mạch trở nên chặt chẽ hơn. Trước mắt, khi đăng ký với phòng mạch qua hệ thống MyMedicare, bạn sẽ được đặt cuộc hẹn dài hơn để gặp Bác Sĩ qua điện thoại. Trong tương lai, những bệnh nhân không đăng ký có thể sẽ phải trả lệ phí cao hơn khi khám bệnh.

Tiêu chuẩn để đăng ký Main Road Medical làm phòng mạch chính, thường xuyên của bạn:

  • Có thẻ Medicare hay DVA

  • Khám tại phòng mạch ít nhất 2 lần trong 2 năm qua (không tính các lần khám qua điện thoại hay video)

  • Nạn nhân của bạo hành gia đình hay người vô gia cư sẽ được miễn trừ tiêu chuẩn trên

  • Cha Mẹ, người giám hộ, hay con của bệnh nhân đã đăng ký cũng sẽ được đăng ký với Main Road Medical

Để tiến hành đăng ký, xin làm theo các bước sau

  • Cài app Express Plus Medicare Mobile vào điện thoại

  • Chọn Main Road Medical là phòng mạch Bác Sĩ Gia Đình thường xuyên của bạn. Xin lưu ý tên phòng mạch KHÔNG CÓ CHỮ “Centre” ở cuối

  • Chọn Bác Sĩ bạn muốn khám thường xuyên

  • Nhấn nút Submit

Người dùng iPhone xin cài app theo đường dẫn này https://itunes.apple.com/au/app/express-plus-medicare/id648134521

Người dùng Android xin cài app theo đường dẫn này https://play.google.com/store/apps/details?id=au.gov.dhs.expressplus.medicare

Bệnh viêm màng não B

• Bệnh nhiễm trùng não mô cầu là một bệnh tuy ít xảy ra nhưng rất nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao (5-10%) và có thể để lại di chứng rất nặng.

• 5 chủng vi khuẩn não mô cầu thường gặp nhất và có thuốc ngừa là A, W, Y, C, và B.

• Từ tháng 7/2018, tất cả trẻ em 12 tháng đều được chích vaccine kết hợp, ngừa 4 chủng A, W, Y và C.

• Vì thế, trong 3 năm qua MenB đã trở thành chủng não mô cầu thường gặp nhất.

• Tuy nhiên vaccine não mô cầu B hiện nay chưa được tài trợ rộng rãi trong chương trình tiêm chủng quốc gia (ngoại trừ tiểu bang South Australia).

AI CẦN CHÍCH NGỪA VIÊM MÀNG NÃO B

• Trẻ nhỏ và thiếu niên

• Thanh niên (đặc biệt nếu hút thuốc lá, sống trong ký túc xá hay doanh trại quân đội)

• Miễn phí cho những người không có (hay suy) lá lách, suy giảm miễn dịch, hay đang dùng thuốc eculizumab

Vaccine ho gà cho thai phụ

Bệnh ho gà rất dễ lây và thường gây ra biến chứng rất nặng ở trẻ dưới 6 tháng.

Tiêm chủng trong thai kỳ (từ tuần thứ 20 tới 32) có thể giảm 90% nguy cơ mắc bệnh ho gà ở em bé.

Phụ nữ có thai được tiêm chủng ho gà miễn phí trong mỗi thai kỳ.

Tuy nhiên chương trình tài trợ vaccine miễn phí cho người phối ngẫu của thai phụ hay người giám hộ của trẻ dưới 6 tháng sẽ chấm dứt vào ngày 30/6/2023. Những đối tượng này vẫn rất nên chích vaccine ho gà nếu chưa chích trong vòng 10 năm trước.

Vaccine ngừa Zona

  • Hãy hỏi Bác Sĩ về vaccine ngừa bệnh Zona (bệnh Giời Leo).

  • Một trong ba người sẽ bị bệnh Zona trong đời.

  • Những người đã từng bị Thủy Đậu (Trái Rạ) sẽ có nguy cơ bị Zona, nhất là sau tuổi 50 hay khi hệ miễn dịch suy yếu.

  • Gần như toàn bộ dân số trên 50 tuổi đã có trong người virus gây bệnh Zona.

  • Tỷ lệ biến chứng đau kéo dài sau Zona tăng theo tuổi

Đo huyết áp 24 giờ

Máy đo huyết áp lưu động liên tục 24 giờ - tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh cao huyết áp - đã có tại Main Road Medical. Mời bạn hẹn gặp Bác Sĩ để được hướng dẫn thêm.

Theo Medicare, để được dùng máy đo huyết áp 24 giờ, bệnh nhân phải chưa dùng thuốc điều trị cao huyết áp và đạt một trong hai tiêu chuẩn sau:

  • huyết áp tâm thu đo tại phòng mạch từ 140 tới 180

  • huyết áp tâm trương đo tại phòng mạch từ 90 tới 110

Khi dùng máy đo 24 giờ, bạn sẽ được gắn một bao hơi quanh cánh tay, bao này nối với một máy đo huyết áp nằm trong một túi - túi này được đeo qua vai hay quanh người bạn.

Huyết áp và nhịp tim sẽ được đo tự động mỗi 20-30 phút trong vòng 24 giờ. Bạn vẫn có thể sinh hoạt và làm việc như bình thường. Tuy nhiên khi cảm thấy bao hơi được bơm phồng và ép chặt vào cánh tay, bạn cần dừng lại và đứng yên cho tới khi huyết áp được đo xong, thường mất khoảng 30-40 giây.

Bác sĩ hay Y tá sẽ gắn máy lên tay bạn và hướng dẫn chi tiết tại phòng mạch trong khoảng 15 phút. Bạn sẽ quay lại phòng mạch sau 24 giờ để gỡ máy ra.

Trong khi đeo máy, xin vui lòng

  • Mặc áo ngắn tay, rộng rãi

  • Không cử động mỗi khi máy hoạt động

  • Ghi lại thời gian, triệu chứng, cảm xúc, hoạt động trong ngày và thời gian lên giường ngủ

  • Vẫn uống các loại thuốc thường dùng, theo chỉ dẫn của Bác sĩ

  • Lưu ý tránh làm rớt máy hay làm lỏng ống hơi khi bạn thay quần áo

Không nên:

  • Mặc áo dài tay hay váy

  • Gỡ bao hơi quanh cánh tay hay gỡ pin trong máy ra

  • Làm ướt máy (không nên tắm hay bơi khi đang đeo máy)

  • Lái xe hay điều khiển máy, đặc biệt là các thiết bị nặng hay có độ rung mạnh

Mở rộng chỉ định với vaccine COVID-19 liều tăng cường bổ sung mùa đông

Ủy ban Cố vấn Chuyên môn về Tiêm chủng Australia (ATAGI) đã đề nghị chích thêm liều tăng cường vaccine COVID-19 thứ 4 cho các bệnh nhân trên 16 tuổi như sau

  • Bệnh ung thư

  • Các bệnh viêm mạn tính: lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, bệnh Crohn’s, viêm loét đại tràng, …

  • Bệnh phổi mạn tính: bao gồm bệnh suyễn nặng (phải nhập viện thường xuyên hay phải dùng nhiều loại thuốc)

  • Bệnh gan mạn tính

  • Bệnh thận mạn tính nặng (giai đoạn 4 hay 5)

  • Bệnh hệ thần kinh mạn tính: đột quị, sa sút trí tuệ, động kinh, …

  • Bệnh tiểu đường cần dùng thuốc

  • Bệnh tim mạn tính

  • Người khuyết tật có những vấn đề nghiêm trọng hay phức tạp về sức khỏe

  • Béo phì nặng với chỉ số BMI ≥ 40 kg/m2

  • Người rất gầy với chỉ số BMI < 16.5 kg/m2

Vaccine cúm 2022 đã có

Vaccine cúm mỗi năm miễn phí cho các đối tượng sau

  • Trẻ em từ 6 tháng tới dưới 5 tuổi

  • Người trên 65 tuổi

  • Người Thổ dân

  • Phụ nữ có thai

  • Người trên 6 tháng tuổi có một trong các bệnh sau

    • Bệnh tim

    • Bệnh hô hấp

    • Bệnh thần kinh

    • Bệnh suy giảm miễn dịch

    • Bệnh tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác

    • Bệnh thận

    • Bệnh máu

    • Trẻ em từ 6 tháng tới 10 tuổi phải uống aspirin lâu dài

Trẻ em dưới 9 tuổi cần chích 2 liều cách nhau 1 tháng trong năm đầu tiên chích ngừa cúm

Vaccine COVID-19 liều tăng cường bổ sung cho mùa đông

Ngày 25/03/2022 Ủy ban Cố vấn Chuyên môn về Tiêm chủng Australia (ATAGI) đã đề nghị chích thêm liều tăng cường vaccine COVID-19 cho các đối tượng sau

  • Người từ 65 tuổi trở lên

  • Cư dân trong các nhà dưỡng lão và cơ sở nuôi người khuyết tật

  • Bệnh nhân trên 16 tuổi bị suy giảm miễn dịch nặng

  • Thổ dân (ATSI) từ 50 tuổi trở lên

Liều tăng cường bổ sung mùa đông có thể được chích từ 4 tháng sau liều tăng cường đầu tiên, hay 4 tháng sau khi bị nhiễm COVID-19

Vaccine cúm có thể được chích cùng lúc với liều vaccine COVID-19 tăng cường bổ sung

Vaccine Pfizer và vaccine Moderna được khuyên dùng cho liều tăng cường. Tuy nhiên nếu vaccine mRNA bị chống chỉ định hay bị từ chối thì vaccine AstraZeneca có thể được dùng. Vaccine Novavax cũng có thể được dùng làm liều tăng cường nếu các vaccine kia đều không thích hợp.

Vaccine COVID-19 liều tăng cường cho trẻ em 16-17 tuổi

Ngày 03/02/2022 Ủy ban Cố vấn Chuyên môn về Tiêm chủng Australia (ATAGI) đã mở rộng chỉ định của vaccine COVID-19 liều tăng cường cho trẻ em 16 - 17 tuổi, từ 3 tháng sau liều 2, bao gồm những trẻ vừa qua sinh nhật 16 sau khi chích liều 2.

Hiện tại chỉ có vaccine Pfizer Comirnaty được dùng cho liều tăng cường trên trẻ 16 -1 7 tuổi.

Trẻ 16 - 17 tuổi bị suy giảm miễn dịch nặng và đã chích 3 liều nên chích thêm liều tăng cường (liều 4) kể từ 3 tháng sau liều 3.

Trẻ đã bị nhiễm COVID-19 và đã qua 3 tháng sau liều 2 nên chích liều tăng cường ngay khi hồi phục, nếu trì hoãn thì không nên quá 4 tháng sau khi khỏi bệnh.

Vaccine COVID-19 liều tăng cường: 3 tháng sau liều 2

Số ca bệnh COVID-19 trong vài tuần qua đã tăng rất nhanh với biến chủng Omicron.

Ủy ban Cố vấn Chuyên môn về Tiêm chủng Australia (ATAGI) vừa đưa ra thông báo khuyến khích mọi người từ 18 tuổi trở lên nên chích vaccine COVID-19 liều tăng cường từ 3 tháng sau liều thứ hai.

Bệnh nhân có suy giảm miễn dịch nếu đã chích 3 liều vaccine COVID-19 cũng nên chích thêm liều tăng cường (liều 4) từ 3 tháng sau liều cuối.

Vaccine Comirnaty (Pfizer) hay Spikevax (Moderna) đều có thể được dùng cho liều tăng cường.

Vaccine AstraZeneca có thể được dùng nếu bệnh nhân có chống chỉ định với vaccine Pfizer và Moderna.

Xin mời quý bệnh nhân liên hệ với chúng tôi để biết thêm thông tin và đặt hẹn.